Chất âm thiên bass, thiết kế dễ làm quen cùng thời lượng pin dài lâu, Anker Soundcore Life P2 hướng tới những người dùng “nhập môn” sang dòng tai nghe true wireless và đang tìm kiếm một thứ gì đó “sang chảnh” hơn chiếc tai nghe tặng kèm trong hộp smartphone mà họ dùng bấy lâu nay.
Khi Apple trở thành nhà sản xuất smartphone đầu tiên loại bỏ jack tai nghe 3.5mm trên sản phẩm của mình, đồng thời ra mắt AirPods thế hệ đầu tiên trong cùng năm đó, một cuộc cách mạng mới đã được mở ra. Qua từng năm, tai nghe không dây thực sự – true wireless, chứ không phải những chiếc neckband dùng bluetooth nhưng vẫn còn dây – đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, và người dùng không còn bị mắc kẹt ở những tùy chọn cao cấp từ Apple, Sony hay Sennheiser, một phần nhờ các tên tuổi đến từ Trung Quốc.
Anker là một trong những cái tên như vậy. Khẳng định tên tuổi trên thị trường với các sản phẩm như loa bluetooth, pin sạc dự phòng, Anker trong khoảng hai năm trở lại đây cũng đã nhảy vào cuộc chơi tai nghe true wireless với dòng SoundCore Liberty. Tuy nhiên, khác với những người đồng hương, Anker có một lợi thế không nhỏ – uy tín, khi người dùng biết rằng nếu đến với Anker, họ sẽ nhận được những sản phẩm chất lượng cao nhưng giá “mềm”.
Trong bài viết này, VnReview sẽ gửi tới độc giả bài viết đánh giá chi tiết chiếc tai nghe Soundcore Life P2. Có giá tham khảo 1,5 triệu đồng, SoundCore Life P2 được kỳ vọng là một sự lựa chọn dễ tiếp cận hơn so với những anh em của mình là Liberty 2 Pro hay Liberty Air 2.
Thiết kế lấy cảm hứng AirPods Pro, đeo thoải mái nhưng độ fit cần cải thiện
Giống như smartphone, trong thế giới true wireless, thực sự không có nhiều kiểu thiết kế để chúng ta lựa chọn. Với Soundcore Life P2, bạn có thể xếp nó vào phân khúc những chiếc tai nghe trông-giống-AirPods với phần đuôi kéo dài. Anker đã sử dụng thiết kế này trên hai dòng Liberty Air và Liberty Air 2, cái gì tốt thì chúng ta học hỏi, với tôi đó không phải là vấn đề gì lớn.
Kiểu thiết kế này cho phép các nhà sản xuất có thêm diện tích để chứa linh kiện, chẳng hạn như pin hoặc driver lớn hơn, và độ thoải mái khi đeo vẫn luôn vượt trội hơn nếu so với những chiếc tai nghe true wireless dạng hạt đậu. Chỉ có duy nhất một tùy chọn màu đen bóng, với một chút điểm nhấn là logo Soundcore màu đồng, Life P2 sẽ phù hợp tuýp người dùng không thích gây sự chú ý, đề cao sự đơn giản, chỉ đơn giản là một người bạn đồng hành khi làm việc trong văn phòng hay trên cung đường đi làm.
Không điều khiển bằng thao tác cảm ứng, Life P2 sử dụng phím cứng vật lý đa chức năng. Cá nhân tôi vẫn đánh giá cao lựa chọn này hơn, khi điều khiển cảm ứng trên tai nghe true wireless thường không đáng tin cậy về độ nhạy, và có một phản hồi vật lý khi thao tác sẽ hạn chế tình trạng nhấn nhầm.
Các thao tác điều khiển của Life P2 gồm:
– Nhấn một lần để phát/tạm dừng nhạc hoặc nhận cuộc gọi
– Nhấn hai lần vào tai nghe phải để chuyển sang bài hát tiếp theo, hai lần bên trái để trở về
– Nhấn và giữ nút bất kỳ trong 3 giây để kích hoạt trợ lý giọng nói có trên smartphone
Đáng tiếc, Life P2 không có thao tác tăng giảm âm lượng, và chúng ta cũng không có cách nào để tùy chỉnh chức năng của những nút này. Trên mỗi bên tai nghe có một đèn LED nhỏ, chủ yếu để người dùng nhận biết khi tai đang được sạc hoặc đang tìm thiết bị để kết nối.
Hộp sạc của Life P2 to và dài, cũng dễ hiểu với thiết kế của tai nghe này, bù lại thì nó nhẹ và không quá khó chịu khi để trong túi quần jean. Lớp sơn đen bóng mờ tạo cảm giác cứng cáp và hạn chế tình trạng bám vân tay. Tai nghe nằm ngang trong hộp chứ không thẳng đứng như AirPods, điều này giúp lấy tai nghe ra và đặt tai nghe vào dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nắp đậy của hộp sạc này khá mỏng manh, và bản lề không thực sự tạo cho tôi cảm giác an tâm.
Dung lượng pin của hộp sạc là 700 mAh, và theo Anker thì nó có thể sạc thêm 5 lần cho Life P2. Cổng sạc của tai nghe là USB-C, tuy nhiên không có sạc không dây. Đèn LED chỉ sáng khi sạc hoặc pin trong hộp còn dưới 10%. Khi mở hộp, hai bên tai Life P2 sẽ tự động kết nối với nhau và tìm đến thiết bị kết nối gần đây nhất – rất đơn giản và nhanh chóng.
Bên trong hộp, Life P2 giống như nhiều tai nghe khác của Anker được tặng kèm thêm bộ eartips đủ mọi kích cỡ để người dùng lựa chọn sao cho phù hợp với tai của mình nhất. Các bộ eartips này đều được hoàn thiện tốt, độ mềm vừa phải, nhét sâu vào trong tai không bị đau hoặc cấn tai.
Độ fit (vừa vặn) của Life P2 có lẽ là điểm cần cải thiện thêm. Với các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ hoặc đạp xe, chiếc tai nghe sẽ nằm yên vị một chỗ, nhưng nâng cao hơn một chút như chạy bộ hoặc nhảy dây thì bạn sẽ cần một cái tên khác phù hợp hơn.
Nhân nói về tập luyện, Life P2 đạt chuẩn chống nước IPX7, những người dùng ra nhiều mồ hôi khi tập thể thao hoặc đi bộ, đạp xe ngoài trời có thể an tâm sử dụng, nhưng tốt hơn hết bạn đừng nên đem chúng đi bơi.
Kết nối ổn, nhưng không có phần mềm tùy chỉnh
Life P2 trang bị kết nối Bluetooth 5.0 đã trở thành tiêu chuẩn cho tai nghe true wireless hiện nay, với việc cải thiện tầm kết nối, độ ổn định tín hiệu cũng như tiết kiệm năng lượng hơn so với các thế hệ trước. Hỗ trợ các bộ giải mã SBC, AAC và aptX, về cơ bản thì bạn dùng smartphone Android hay iPhone cũng không phải bận tâm.
Trong khoảng thời gian tương đối ngắn ngủi trải nghiệm, tôi gần như không gặp bất kỳ vấn đề nào về kết nối, kể cả khi đi ngoài đường. Độ trễ tín hiệu vào khoảng nửa giây, xem phim hay nghe nhạc thì ok nhưng chơi những tựa game cần nhận biết hướng âm thanh như PUBG Mobile hay Call of Duty Mobile thì không riêng Life P2, những mẫu tai nghe có dây sẽ là sự lựa chọn đáng tin cậy hơn là tai nghe true wireless.
Ứng dụng Soundcore có rất nhiều profile equalizer để người dùng lựa chọn
Đáng tiếc, Life P2 hiện vẫn chưa được hỗ trợ trên ứng dụng Soundcore. Điểm nhấn của ứng dụng này là bộ profile equalizer hết sức phong phú, bạn cũng có thể theo dõi thời lượng pin hay thay đổi chức năng các thao tác điều khiển phím bấm. Bên cạnh đó, Soundcore còn có tính năng HearID, đo các tần số tai người dùng nghe thấy được để tạo một profile tùy chỉnh phù hợp nhất.
Chất âm thiên bass, không có chống ồn chủ động
Về chất âm, có thể mô tả Life P2 là “không gây thất vọng”. Life P2 sử dụng hai driver graphene kích thước 6mm, cộng với công nghệ BassUp thì Anker cho biết độ trầm được tăng đến 43% so với màng loa cũ. Do thời gian trải nghiệm không nhiều, khoảng 2-3 ngày, tôi không có nhiều cơ hội để nghe nhiều các loại nhạc như tôi mong muốn, tuy nhiên vẫn có một số điểm về chất âm mà tôi có thể rút ra.
Dải bass là điểm sáng nhất của Life P2, được tái hiện một cách mạnh mẽ, có lực, tách bạch với sub-bass nên không gây cảm giác ù. Nếu bạn từng nghe và thích âm trầm của Beats, nhiều khả năng bạn cũng sẽ thích cách Life P2 tái hiện dải âm trầm.
Âm trầm hùng hậu, tuy nhiên dải mid của Life P2 có vẻ hơi thiếu về lượng, thiên tối, may mắn là vẫn giữ được độ chi tiết chứ không bị bass “nuốt chửng”. Hiện tượng recess (vocal chìm hơn nhạc cụ) là có nhưng khó nhận ra. Nhìn chung, Life P2 sẽ phù hợp nhất với Vpop hiện nay, nếu là tín đồ của nhạc điện tử thì nên chọn những genre tiết tấu nhẹ như Trance hay Lo-fi.
Âm trường của Life P2 tuy hẹp nhưng tạo cảm giác ấm cúng và thư giãn. Trong tầm giá này, chúng ta không thể kỳ vọng chiếc tai nghe được trang bị khả năng chống ồn chủ động (ANC), tuy nhiên bản thân Life P2 cách âm khá tốt với bên ngoài nếu bạn dùng eartips kích thước phù hợp, loại bọt biển thì càng tốt.
Trang bị 4 mic và tích hợp công nghệ khử tiếng ồn CVC 8.0 của Qualcomm, nhưng chất lượng đàm thoại của Life P2 chỉ ở mức tạm được. Người ở đầu dây bên kia biết được ngay là tôi đang gọi điện qua tai nghe chứ không phải mic của điện thoại, và nếu môi trường có nhiều tiếng ồn thì thực hiện trao đổi là khá khó khăn. Dù vậy, nếu bạn ngồi trong ô tô kín chẳng hạn, chất lượng mic của Life P2 chắc chắn sẽ tốt hơn những chiếc tai nghe bluetooth một bên giá vài chục hoặc vài trăm nghìn mà bạn mua trôi nổi trên các sàn thương mại điện tử.
Thời lượng pin dài lâu
Mỗi bên tai của Life P2 có viên pin dung lượng 55 mAh, và với điều kiện nghe nhạc của tôi (nghe qua Spotify, âm lượng 70%) thì thời gian nghe liên tục vào khoảng gần 7 tiếng. Theo Anker, Life P2 có thể cho 1 giờ nghe nhạc chỉ với 10 phút sạc, không tệ chút nào.
Hộp sạc kích thước lớn dung lượng 700 mAh sạc được thêm 5 lần, nâng tổng thời gian chơi nhạc lên 40 tiếng. Từ khi nhận sản phẩm để trải nghiệm đến khi hoàn thành bài viết này tôi chưa cần phải sạc cho hộp nên cũng khó có thể ước lượng con số chính xác, nhưng với nhu cầu thông thường thì khoảng 1 tuần bạn mới phải sạc một lần. Anker tuyên bố, thời gian sạc đầy cho hộp sạc chỉ vào khoảng 2 tiếng nên chắc chắn thời lượng pin sử dụng sẽ không phải là vấn đề bạn cần lo lắng trên Life P2.
Tổng kết
Với những gì mang lại, Soundcore Life P2 của Anker là một sự thành công, ngay cả khi nó không nằm trong một danh mục chuyên sâu nào (chẳng hạn tai nghe chuyên tập thể thao, tai nghe chuyên EDM,…). Cảm giác đeo thoải mái, thiết kế tinh giản, chất âm thiên bass dễ tiếp cận cùng mức giá khá “mềm”, Soundcore Life P2 là một cái tên sáng giá cho những người dùng đã chán với những chiếc tai nghe đi kèm máy nhạt nhẽo hay tai nghe Chi-fi từ Trung Quốc trôi nổi trên thị trường giá vài trăm nghìn đồng trở xuống.
Điểm cộng
+ Thiết kế thoải mái
+ Thời lượng pin tốt
+ Mức giá dễ tiếp cận
Điểm trừ
– Chất lượng đàm thoại chưa ấn tượng
– Không có phần mềm tùy chỉnh
Hoàn Đặng